Hội Quốc Tế Phát Triển Giáo Dục ở Việt Nam

 

 

 

 

Tường Trình

 

<< DÙNG THỰC VẬT ĐỂ XỬ LÝ MÔI TRƯỜNG ĐẤT

BỊ Ô NHIỄM BỞI KIM LOẠI NẶNG Ở VIỆT NAM >>

 

 

                                                                                            Phạm Thị Anh Thư
 

 

1 - NGUYÊN DO CUẢ CHƯƠNG TRÌNH

Từ khoảng 10 năm trở lại, việc thành lập những khu công ngiệp (KCN) chung quanh các đô thị lớn ở Việt Nam đã gây nên nhiều vấn đề ô nhiễm môi trường . Thêm vào đó, dân số tăng nhanh ở các vùng phát triển kinh tế, và các phương tiện giao thông ngày càng nhiều đã đưa tình trạng ô nhiễm lên tới mức báo động. Tháng 2 năm 2005, Chính phủ VN đã ban hành luật Bảo vệ môi trường, nhưng cần phải có thời gian mới có thể giải quyết được vấn đề. Hiện trạng là nhiều nguồn nước, kênh, sông đã bị ô nhiễm nghiêm trọng. Rất ít cơ sở công nghiệp có trang thiết bị để xử lý chất thải, và, ngọai trừ một số KCN mới, được trang bị trạm xử lý chất thải tập trung, thì các nơi khác vẫn tiếp tục xả chất thải trực tiếp ra kênh mương hoặc dổ thẳng ra ngoài đất, tác động rất lớn đến hệ sinh thái và sức khỏe của người dân.

Để xử lý ô nhiễm môi trường, ngoài các kỹ thuật lý hóa nói chung khá nặng nề và tốn kém, một xu hướng  mới trên thế giới là xử dụng sinh vật sống để giải độc trong  môi trường đất và nước (Bioremediation).

Hội AIDEV đã xây dựng một chương trình hợp tác với Đại học Khoa học Tự nhiên TPHCM (DHKHTNTP), và Ban Quản lý các KCN Đồng Nai và Bình Dương (BQLKCN), với nội dung chính là dùng thực vật để xử lý môi trường đất bị ô nhiễm bởi kim loại nặng (phytoremediation), như chì (Pb), cadmium, arsen.

 Các mục tiêu của chương trình này là :

1.      Gây sự chú ý của dân chúng trong các KCN trên vấn đề ô nhiễm và những phương pháp sinh thái để bảo vệ môi trường.

2.      Khảo sát các giống cây có khả năng hấp thụ kim loại nặng  và nghiên cứu cơ chế sinh học của khả năng đó.

3.      Trồng thử một số cây trên đất bị nhiễm kim loại nặng.

Đề án này cũng là dịp để các Việt kiều và bạn Pháp đóng góp vào việc nâng cao chương trình giảng dạy và nghiên cứu của DHKHTN về môn môi trường học, cụ thể là các công cụ hiện đại (Sinh học phân tử) ứng dụng vào khoa học môi trường .

Chương trình này đã nhận được sự hỗ trợ tài chính của PRAOSIM (Programme d’Appui aux projets des Organisations de Solidarité Internationale issues de l’Immigration, thuộc Bộ Ngoại Giao Pháp)

Trong tháng 11/2006, 2 thành viên của hội AIDEV (Phạm thị Anh Thư và Chantal Passaquet, Đại học Paris 12) đã về Việt nam trong khuôn khổ chương trình này.

2. - ĐI THĂM KHU CÔNG NGHIỆP

Trong chuyến đi VN , chúng tôi đã  cùng với giáo sư Diệp Mỹ Hạnh (DHKHTNTP) và Ô. Phạm Tấn Kiên (BQLKCN) đi thăm một số KCN .

KCN Biên Hòa 2, một trong những KCN đầu tiên được thành lập tại Đồng Nai, không có trang bị để xử lý chất thải công nghiệp. Nước thải đổ vào một đường mương (xem hình 1), hoặc được xả thẳng ra ngoài đất. Tình trạng ô nhiễm ở các vùng dân cư lân cận rất đáng sợ (hình 2).

KCN Nhơn Trạch, hiện đại hơn, được trang bị một trạm xử lý nước thải tập trung (cho toàn bộ KCN) (xem hình 3). Nhưng trạm cũng vẫn chưa có thiết bị để xử lý kim loại nặng . Sau khi đã qua giai đoạn xử lý cuối cùng, nước được chứa trong một bể lắng , trước khi được xả ra cống, hòa chung với nước thải của các khu dân cư. Anh trách nhiệm trạm đồng ý sẽ thả cây lục bình trong bể lắng, vì cây này có khả năng hút kim loại nặng và các độc tố khác trong nước.

Tất cả các nước thải của các KCN  TPHCM và Biên Hòa đều đổ vào sông Thị Vải. Chúng tôi đến bờ sông : một mùi hôi thối (H2S) xông lên từ « dòng sông chết » này, nước sông đục ngàu (hình 4) và chắc chắn là không có sinh vật nào tồn tại được trong môi trường ô nhiễm đó.

Trước đây, các đối tác Việt Nam đã đo hàm lượng kim loại nặng ở một số địa điểm của các KCN thuộc tỉnh Đồng Nai ; một số nơi bị ô nhiễm KLN khá nặng, đặc biệt đất chung quanh một nhà máy pin accuy . Chúng tôi có dự định tiến hành thí nghiệm thử cây có khả năng hút KLN trên đất đó, nhưng  được biết là chủ nhà máy đã cho trải bê tông lên mảnh đất bị nhiễm!

 

Hình 1 : đường mương dẫn nước thải của KCN Biên Hòa 2 ra ngoài

 

     Hình 2 : Khu dân cư lân cận các KCN

              

                             

 



 

                                    
         Hình 3 : trạm xử lý nước thải KCN Nhơn Trạch
 

         

 

 


             
Hình 4 : Nước sông Thị vải



     

 

 

 

 

3 –  CÂY HẤP THỤ KIM LOẠI NẶNG

Một chương trình khoa học đang được tiến hành ở DHKHTNTP, do giáo sư Diệp Mỹ Hạnh phụ trách, nhằm phát hiện một số loài thực vật sống ở Việt Nam, có khả năng tích lũy kim loai nặng từ môi trường đất. Trong số các cây đó, chúng tôi đã lựa chọn vài loài, đặc biệt cây Lantana camara, để nghiên cứu sâu thêm về cơ chế hẩp thụ và tích lũy kim loại nặng của chúng. Chúng tôi sẽ cho trồng thử các cây này trên những mảnh đất bị ô nhiễm bởi kim loại nặng (cụ thể là chì) , theo dõi tiến triển của hàm lượng chì trong đất, để đánh giá cụ thể độ khả thi của công nghệ này.

      

   
                 Hình 5 : nghiên cưú trên các cây có khả năng hấp thụ kim loại nặng

 

     

 


           Hình 6 : sinh viên trường DHKHTN    
                                  
                        lấy mẫu để phân tích

                 

 

  
Hình 7 : Vườn ươm cây



 

 

4. - GIẢNG DẠY

Trong chuyến đi VN vừa qua, chúng tôi đã thực hiện một khóa giảng dạy (lý thuyết và thực tập) trong một tuần lễ (sáng chiều) trên đề tài : Sinh học phân tử ứng dụng vào môi trường học (hình 8, 9, 10). Tham dự là  18 em sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp đại học và 10 giảng viên trẻ của hai trường đại học Khoa học Tự nhiên và đại học Nông Lâm TPHCM. Khóa này được tổ chức tại Đại học Nông Lâm, với sự hổ trợ nhiệt tình của Giáo sư Bùi Cách Tuyến (hiệu trưởng) và tiến sĩ Lê thị Diệu Trang.

Kết thúc khóa học, các em sinh viên đã có một bài thi kiểm tra. Điểm bài thi sẽ được tính như một tín chỉ  của chương trình giảng dạy khóa học môi trường năm thứ tư của DHKHTNTP.  Hai em sinh viên sẽ được chọn để làm đề tài tốt nghiệp trên vấn đề phytoremediation.

Ngoài việc tham gia vào lớp dạy sinh học phân tử ở trường DHNL, Chantal Passaquet cũng có một buổi dạy tiếng Pháp cho các em học sinh một trường trung học ở Bình Dương (lớp Pháp ngữ) (hình 11)

 

 

 

                                    Hình 8

              

 


Hình 9

 

                            
                                       Hình 10

              

 


Hình 11

 

 

5 - KÉT LUẬN  

Chuyến đi này là chuyến công tác đầu tiên của chương trình, cho phép chúng tôi  ý thức được một số khó khăn của chính quyền trong công việc áp dụng luật bảo vệ môi trường,  đồng thời cảm nhận những chờ đợi của các em trẻ và nhiệt tình của đối tác.

Sau những buổi làm việc chung, hai bên VN và AIDEV  đã đồng ý trên chương trình thực hiện như sau :

1.      Nghiên cứu sâu về cơ chế sinh học của khả năng hấp thụ và tích lũy chì trong cây. Các thí nghiệm sẽ tiến hành song song ở VN (2 trường đại học) và Pháp (đại học Paris 12)

2.      Trồng thử cây trên đất bị nhiễm kim loại nặng

3.      Tiếp tục công tác đào tạo qua giảng dạy và nghiên cứu, tổ chức các khóa giảng dạy (lý thuyết và thực hành) trên chuyên đề.